ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ

Thứ Năm, 30/09/2021

1. QUAN ĐIỂM

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII về phát triển kinh tế xã hội. Thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chính. Tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệu quả đầu tư cao, nộp ngân sách lớn.

- Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư.

- Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, tập trung thu hút các các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, công nghệ, hoạt động hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Đồng thời, chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (kinh tế tập thể, hợp tác xã) trên toàn tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ và tiêu thụ hàng hóa nội địa. Đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thu hút đầu tư để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình sử dụng các nguồn vốn đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo đúng quy định của pháp luật.

- Tập trung các nguồn lực kinh tế (nhất là nguồn xã hội hóa) để triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tận dụng cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao đang chuyển dịch sau đại dịch COVID - 19 nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tự chủ, khả năng thích ứng cao ít biến động với thị trường. Chú trọng thu hút đầu tư vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Mỹ; đồng thời mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư từ các nước đối tác là thành viên của hiệp định CPTPP, EVFTA.

- Tổ chức các hoạt động XTĐT cần đi vào thực chất, tránh hình thức, bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện rà soát thường xuyên, đánh giá định kỳ về hoạt động XTĐT. Ưu tiên thực hiện các hoạt động XTĐT liên vùng, lồng ghép với các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch. Xây dựng danh mục, chương trình XTĐT dựa trên quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh phù hợp với quy hoạch ngành và khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn đầu tư, tạo sự kết nối trong thu hút đầu tư.

- Tập trung hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn hoàn thiện cơ sở hạ tầng tạo mặt bằng sạch, kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực... để sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, CCN để xây dựng chương trình, kêu gọi thu hút đầu tư vào tỉnh.

2. ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ

2.1. Lĩnh vực nông nghiệp

- Thu hút nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ, đặc hữu hướng tới phục vụ du lịch; dự án nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản;phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản (OCOP) theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch bền vững. Khuyến khích các dự án liên kết chuỗi giá trị như: trang trại tổng hợp chất lượng cao khép kín (sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm) gắn với vùng nguyên liệu tập trung; quản lý ứng dụng nông nghiệp số (sản xuất, tiêu dùng và truy xuất hàng hóa).

- Trồng trọt: dự án nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao; dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác, bảo quản, chế biến, canh tác hữu cơ; dự án trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển rừng; dự án phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến.

- Lĩnh vực chăn nuôi: dự án sản xuất giống vật nuôi; dự án chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chuyển đổi số.

- Lĩnh vực thủy sản: dự án sản xuất giống thủy, hải sản công nghệ cao; dự án nuôi trồng thủy sản hữu cơ; dự án khai thác hải sản vùng nước ven bờ (ngao, hàu, tôm, cua..) và đánh bắt xa bờ.

2.2. Lĩnh vực công nghiệp

- Tăng cường thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ số, chế tạo thông minh, sản xuất lắp ráp ô tô, chế tạo sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, các dự án có nguồn thu lớn và dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao gắn liền với bảo vệ môi trường.

- Thu hút các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng các khu, điểm du lịch, đường giao thông liên vùng, liên tỉnh.

2.3. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ

- Tập trung thu hút phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại; tổ hợp khu vui chơi, giải trí chất lượng cao; phân khu trung tâm kinh doanh dịch vụ, khách sạn 5 sao cao cấp, khu vui chơi giải trí theo chủ đề; tổ hợp khách sạn, resort, nghỉ dưỡng có quy mô lớn tiêu chuẩn 4-5 sao gắn liền với các khu, điểm, tuyến du lịch để hình thành chuỗi dịch vụ du lịch đa dạng có giá trị kinh tế cao. Ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng thương mại, đầu tư khai thác và quản lý mạng lưới chợ đầu mối, chợ nông thôn, chợ đêm.

- Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm… tại các địa bàn du lịch trọng điểm; dự án xây dựng khu đô thị kiểu mẫu theo hướng đồng bộ và hiện đại; khu nhà ở xã hội; khu đô thị thông minh kết hợp trung tâm thương mại, trường học quốc tế, khu vui chơi giải trí; khu đô thị kiểu mẫu, khu nhà ở đồng bộ.

- Phát triển các ngành dịch vụ có liên quan đến tổ chức hoạt động du lịch: sản phẩm, trung tâm du lịch đặc trưng; kinh doanh thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát; phát triển kinh tế ban đêm làm tăng giá trị môi trường sinh thái, tăng giá trị tài nguyên cho các khu, điểm du lịch.

- Phát triển các nhóm sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên độc đáo, đặc sắc, có lợi thế về tự nhiên và văn hóa (du lịch sinh thái, du lịch văn hóa); Khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng (các sản phẩm du lịch chuyên đề, sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch mua sắm).

- Đầu tư phát triển du lịch gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp; cung cấp thông tin và trải nghiệm phục vụ khách du lịch.

2.4. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

- Thu hút xây dựng bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; đầu tư khôi phục các lễ hội, làng nghề và các giá trị văn hóa truyền thống; các dự án làng nghề, tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với văn hóa đặc trưng của địa phương: thêu ren, cói, gốm sứ...

- Ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin 4.0, chuyển đổi số; khuyến khích các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; dịch vụ cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ; giáo dục mầm non, trường liên cấp ngoài công lập chất lượng cao; các dự án đào tạo đa ngành, nghề gắn với tiếp nhận và sử dụng lao động.

- Thu hút các dự án thuộc lĩnh vực logistics; dự án xây dựng trung tâm, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao; dự án cơ sở đào tạo nghề; dự án Bệnh viện tư nhân đạt chuẩn; dự án cơ sở khám, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao; sản xuất dược phẩm, thuốc chữa bệnh; sản xuất trang thiết bị y tế; dự án xử lý rác thải sinh hoạt, y tế, chất thải công nghiệp, xử lý nước thải sinh hoạt tại các huyện, thành phố và các khu đô thị.

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?