Hội nghị đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022

Thứ Năm, 26/05/2022

Ngày 25/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các địa phương và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. 

Theo báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ: Kết quả chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Ninh Bình đạt 60,53 điểm, giảm 1,45 điểm so với năm 2020; nằm trong nhóm "Tương đối thấp"; xếp thứ 58/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước, bằng thứ bậc của năm 2020 và đứng thứ 11/11 các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. 

Thứ hạng này không đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 98-NQ/BCSĐ ngày 24/5/2021 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh về giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và những năm tiếp theo là nằm trong tốp 35 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất cả nước. 

Mặc dù số điểm giảm nhưng năm 2021 Ninh Bình vẫn có: 1/10 chỉ số thành phần tiếp tục duy trì và tăng nhẹ về thứ bậc xếp hạng là: Đào tạo lao động, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2020; 01/10 chỉ số thành phần trước đây được đánh giá khá, đến năm 2021 tiếp tục duy trì và tăng nhẹ về thứ bậc xếp hạng như: Chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2020; 2/10 chỉ số thành phần năm 2020 được đánh giá ở mức khá.

Năm 2021 tăng mạnh về thứ bậc xếp hạng là chỉ số: Cạnh tranh bình đẳng, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2020; chỉ số Chi phí không chính thức, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020; Trong 74 chỉ tiêu cơ sở được giữ lại của năm 2020 đa số đều có sự cải thiện mạnh mẽ về thứ bậc xếp hạng, cụ thể: 27/74 chỉ tiêu nằm trong nhóm xếp hạng Tốt và rất Tốt; 19/74 chỉ tiêu nằm trong nhóm xếp hạng khá.

Về tồn tại, hạn chế: năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND, trong đó đã phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng đơn vị phụ trách các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở; Kế hoạch cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng đơn vị phụ trách. Tuy nhiên kết quả PCI Ninh Bình năm 2021 vẫn không có sự  thay đổi về thứ hạng và giảm 1,45 điểm so với năm 2020. 

Trong đó, có 2 chỉ số thành phần năm 2020 bị đánh giá là thấp nhưng đến năm 2021 vẫn không có sự cải thiện như: Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố; Tính minh bạch, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố; 4 chỉ số thành phần năm 2020 thuộc tốp trung bình khá nhưng đến năm 2021 vẫn không được cải thiện và thậm trí còn tụt mạnh về thứ bậc xếp hạng, như: Gia nhập thị trường, xếp thứ 56/63, giảm 6 bậc; Tiếp cận đất đai, xếp thứ 57/63, giảm 34 bậc; Chi phí thời gian, xếp thứ 54/63, giảm 16 bậc; Tính năng động, xếp thứ 62/63 tình, thành phố, giảm 21 bậc.

Tại hội nghị, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở; Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã phân tích làm rõ những chỉ số thành phần không tăng về thứ hạng, xếp trong nhóm tương đối thấp và thấp. 

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan như: các doanh nghiệp thiếu sự chủ động và chưa thực sự hợp tác khi tham gia các cuộc điều tra; hệ thống quy hoạch của tỉnh chưa đồng bộ... 

Các đại biểu đã nêu ra một số nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa được cải thiện so với năm 2020 như: trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; Công tác cải cách thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế; các sở, ban. ngành và địa phương chưa chủ động trong việc tham mưu UBND tỉnh tổ chức các cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; các cơ quan, đơn vị cũng chưa thực sự quan tâm và mạnh dạn đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chưa chủ động và tích cực giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; hoạt động dịch vụ hỗ trợ thông tin trong tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại…hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, năm 2021, có nhiều chỉ tiêu cơ sở điều chỉnh và bổ sung mới so với năm 2020, tuy nhiên trong các giải pháp cải thiện các chỉ tiêu cơ sở của năm 2021 chưa được đề cập đến. Do đó, thứ hạng của các chỉ tiêu mới phần lớn nằm trong nhóm tương đối thấp và thấp trong các tỉnh, thành phố. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là chỉ số hết sức quan trọng để phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp vì vậy việc đánh giá thực trạng, nguyên nhân và bàn giải pháp phải nghiêm túc, trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan. 

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

 

Với quan điểm như vậy, đồng chí đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, địa phương trong thời gian qua để có một số chỉ số thành phần tăng điểm, tăng về thứ hạng. Đặc biệt, bên cạnh PCI, một số chỉ số quan trọng như Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh năm 2021 nằm trong top cao của cả nước đã cho thấy sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công của tỉnh đã được tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. 

Phân tích nguyên nhân khiến chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh không có sự thay đổi về thứ hạng và giảm điểm so với năm 2020, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng bên cạnh những tác động từ chính sách của tỉnh tới cảm nhận của doanh nghiệp thì cũng có những hạn chế xuất phát từ việc tuyên truyền; thái độ, quan điểm giải quyết  các vấn đề; việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; vấn đề công khai, minh bạch, cách thức xúc tiến đầu tư. 

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị được giao phụ trách các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở phải xây dựng báo cáo đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trong đó cần chủ động tham mưu các chính sách, các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở thấp. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Đồng chí cũng đề nghị nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp các cấp và Hội doanh nhân trẻ trong việc truyền tải những việc làm, nỗ lực của chính quyền đến với doanh nghiệp và người dân góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 

Đồng thời, thống nhất định kỳ vào thứ 5 của tuần cuối tháng, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp các doanh nghiệp để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị, từ đó có quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, tạo môi trường tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn 

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?