Hội nghị trực tuyến về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Thứ Hai, 22/08/2022

Ngày 20/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

 

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện các Bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp chủ chốt, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia thế giới. Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh điều hành hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, mặc dù vẫn còn bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, với nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng...

Cụ thể, lực lượng lao động tăng 400 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng lao động có việc làm gia tăng cả ở doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của người lao động được cải thiện, bình quân là 6,5 triệu đồng/tháng, tăng 326 nghìn đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. 

Tuy vậy, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện song vẫn còn thấp so với thị trường lao động và so với thế giới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm cả về ngành nghề, địa bàn... Chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm cao... 

Tại hội nghị, đại diện một số Bộ, ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, chuyên gia quốc tế, các địa phương... đã tích cực thảo luận, đánh giá khách quan về chất lượng nguồn lao động Việt Nam hiện nay, những vấn đề đặt ra đối với phát triển thị trường lao động, như: chất lượng nhân lực đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH; tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao cho người lao động; cân đối cung - cầu lao động; giải quyết sự khan hiếm lao động cục bộ tại một số địa bàn, địa phương, nâng cao năng lực quản trị, vận hành thị trường lao động... 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Được hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường, thị trường lao động có vị trí rất quan trọng. Thị trường hoạt động hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong những năm qua, cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược, xác định vấn đề lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta còn chưa bắt kịp tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt còn hạn chế. Đặc biệt, trong thời gian tới, các xu hướng chủ đạo như: già hóa dân số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu… sẽ mang đến cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức lớn cho phát triển thị trường lao động Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi công tác phát triển thị trường lao động cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng và hội nhập.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phát triển thị trường lao động, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực theo chỉ đạo của Chính phủ.  

Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, chủ động giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh. Kịp thời báo cáo, tham mưu cho Chính phủ xem xét, giải quyết vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp mới hiệu quả, khả thi bảo đảm phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động.

Cần khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

Tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động. 

Hoàn thành và đưa dự án đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hệ thống sàn giao dịch việc làm quốc gia trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù (thanh niên, người khuyết tật, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ…).

Đào Hằng - Hoàng Hiệp

Nguồn: baoninhbinh.org.vn/

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?