Phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh

Thứ Năm, 03/01/2019

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, HĐND, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh cùng với sự phấn đấu của các ngành, các cấp và của cộng đồng doanh nghiệp, những năm qua ngành công nghiệp Ninh Bình tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô đã đạt được mức tăng trưởng rất cao. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2017 (giá so sánh 2010) đạt 42,32 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và vượt 114,3% kế hoạch năm. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đạt trên 8,75 nghìn tỷ đồng, tương ứng với sản lượng cả năm đạt trên 20.000 chiếc, gấp 2,5 lần kế hoạch; camera modul đạt 88 triệu sản phẩm, bằng 160% kế hoạch và linh kiện điện tử ước đạt 260 triệu sản phẩm, đạt 100,2% kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp điện tử ước đạt 8,34 nghìn tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp thuộc 2 ngành trên đạt 4.700 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế như: Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong 2 ngành này còn ít, chủ yếu thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp sản phẩm, do vậy giá trị gia tăng của các đơn vị đóng góp cho tỉnh chưa cao, đặc biệt ngành công nghiệp điện tử mới chủ yếu tập trung vào giải quyết việc làm cho người lao động, trong khi số nộp ngân sách lại rất thấp. Tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm còn thấp, thiếu các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho các ngành trên; việc ban hành các cơ chế, chính sách để kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và điện tử còn thiếu; cơ sở hạ tầng tại một số khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ;… Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế của 2 ngành công nghiệp trên, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành địa phương có nhà máy sản xuất ô tô Hyundai số một tại khu vực Đông Nam á, Sở Công Thương đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/02/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách; đồng thời đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 06/3/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ và Kế hoạch số 16/KH-UBND, Sở Công thương đã tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng tiến độ, cụ thể như: Công tác quản lý, rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, kế hoạch đã được Sở quan tâm triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương (hoàn thành xây dựng và tổ chức công bố Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 – 2020, có xét đến năm 2035; tham mưu UBND tỉnh quyết định mở rộng cụm công nghiệp Gia Vân, cụm công nghiệp Mai Sơn, điều chỉnh tiến độ đầu tư của cụm công nghiệp Xích Thổ trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình,...). Cùng với đó, để tạo sự thống nhất trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, Sở đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ cho các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh có cơ hội áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, phù hợp với yêu cầu quốc tế, tham gia các hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Sở Công thương đã xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 về việc chuyển nhiệm vụ quản lý, đầu tư và phát triển một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ các huyện, thành phố về Trung tâm Đầu tư phát triển cụm công nghiệp; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1751/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cho 2 dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách (cụm công nghiệp Khánh Thượng và Khánh Thành) với tổng vốn đầu tư là 434,478 tỷ đồng; điều chỉnh 1 dự án đầu tư hạ tầng (cụm công nghiệp Gia Vân) với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 103,624 tỷ đồng. Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn. Năm 2017 có 2 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô và điện tử là dự án sản xuất linh kiện điện tử Goryo Việt Nam tại cụm công nghiệp Gia Vân (công suất 55 triệu sản phẩm/ năm) với tổng mức đầu tư 38,165 tỷ đồng và dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty cổ phần Sejung tại cụm công nghiệp Cầu Yên (ống xả và linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình có phương án đảm bảo kế hoạch cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trọng điểm sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt việc rút ngắn thời gian tiếp cận điện theo Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công thương, tạo điều kiện rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp, cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn an toàn, tin cậy và linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch khuyến công, xúc tiến thương mại (38 đề án khuyến công và 20 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hơn 6,545 tỷ đồng) tập trung vào các nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức hội chợ thương mại trong và ngoài nước, tuyên truyền quảng bá hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại... giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do FTA được Sở đẩy mạnh giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các quy định của pháp luật và các thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng... Trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 16%/năm (giai đoạn 2016-2020) như nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khoá XXI thì ngành công nghiệp của Ninh Bình cần tiếp tục phát huy những lợi thế hiện có để duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử theo đúng quy hoạch, đảm bảo hài hoà giữa phát triển công nghiệp và phát triển du lịch; đồng thời cần đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước và tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hoạt động xuất khẩu. Để thực hiện nhiệm vụ đó, tỉnh Ninh Bình định hướng tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất ô tô. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với quan điểm, chiến lược, mục tiêu, định hướng của Chính phủ đã đề ra trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?