Tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp

Thứ Năm, 03/01/2019
Thời gian qua, sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách. Sự phát triển của các KCN còn là điều kiện để chuyển giao công nghệ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, để các KCN trở thành khu vực kinh tế năng động, hấp dẫn thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
 
Lắp ráp ô tô tại Công ty cổ phần ô tô Thành Công, KCN Gián Khẩu (Gia Viễn). Ảnh: Hoàng Anh
Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đạt 86%
Năm 2004, KCN đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được thành lập là KCN Khánh Phú. Đến nay, toàn tỉnh có 7 KCN, bao gồm: Khánh Phú (351 ha); Tam Điệp I (64 ha); Gián Khẩu (262 ha); Khánh Cư (67 ha); Phúc Sơn (145 ha); Tam Điệp II (386 ha); Kim Sơn (200 ha). Hiện tại, đã có 5 KCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 2 KCN chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết là KCN Kim Sơn và Tam Điệp II.
 
Để các KCN phát triển, thời gian qua tỉnh ta đã nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng với phương châm đầu tư phân kỳ, chọn hạng mục thi công, vừa xây dựng vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư.
 
Theo đó, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo có quỹ đất sạch để nhà đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp.
 
Nguồn vốn đầu tư hạ tầng các KCN chủ yếu từ ngân sách nhà nước với tổng giá trị khối lượng thực hiện đến năm 2015 là trên 1.655 tỷ đồng. Riêng KCN Khánh Cư được xây dựng hạ tầng bằng vốn của nhà đầu tư và hiện chủ đầu tư đã GPMB được 60%.
 
Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã lập quy hoạch chi tiết trung bình đạt 86%, trong đó 4 KCN (Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp I, Khánh Cư) tỷ lệ giao đất, lấp đầy các dự án đạt 100%, KCN Phúc Sơn đạt 42%.
 
Bên cạnh việc thu hút đầu tư hạ tầng, tỉnh còn quan tâm thu hút các dự án đầu tư vào các KCN. Hiện tại trong các KCN có 100 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với số vốn đăng ký 47.481 tỷ đồng, trong đó có 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng mức đầu tư 666,3 triệu USD.
 
Đa số các dự án đi vào sản xuất ổn định, có hiệu quả và một số dự án đang xây dựng đảm bảo tiến độ. Một số dự án đi vào sản xuất mang lại hiệu quả cao như Hyundai Thành Công, AMD21 (sản xuất cần gạt nước tô tô), MCNEX (sản xuất linh kiện camera)...
 
Phần lớn các doanh nghiệp trong KCN cơ bản đạt mục tiêu dự án, thực hiện tốt quy định của pháp luật, hoạt động ổn định, đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu công nghiệp của tỉnh.
 
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI trong KCN cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất mới cho các ngành công nghiệp then chốt.
 
Hiện nay, tỉnh có 19 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở các KCN, giải quyết việc làm cho 20.163 người (trong đó 19.959 người Việt Nam, 204 người nước ngoài). Các nhà đầu tư phần lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc.
 
Theo ông Hoàng Đình Khải, Trưởng phòng quản lý doanh nghiệp (Ban Quản lý các KCN tỉnh): Hầu hết các doanh nghiệp FDI thực hiện khá tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động như kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt; ban hành nội quy, quy trình làm việc, an toàn lao động; lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm; hướng dẫn vận hành máy thiết bị, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đo môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động...
 
Hoạt động của các doanh nghiệp FDI thường có quy mô lớn, có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm mới, góp phần tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý ở nhiều ngành và thay thế các sản phẩm nhập khẩu.
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động của các KCN đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.
 
Chỉ tính riêng năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các KCN đạt trên 65,6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt trên 70% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, nộp ngân sách chiếm 36% tổng số thu ngân sách của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, từ KCN, nhiều công nghệ mới đã được nhập vào tỉnh như: sản xuất lốp ô tô, linh kiện ô tô, linh kiện máy tính... Và một điều quan trọng, các KCN đã và đang giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo thống kê, hiện nay các KCN đang thu hút trên 28.000 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3,9 triệu đồng/người/tháng.
 
Những hạn chế, bất cập
 
Điểm khác biệt của tỉnh ta so với nhiều địa phương khác trong cả nước, đó là đa phần các KCN được đầu tư hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách, kế hoạch bố trí vốn khó khăn, kéo dài nên hạ tầng chưa hoàn thiện, đồng bộ, không phát huy tối đa hiệu quả khai thác.
 
Việc thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng gặp nhiều khó khăn, vì không có nhiều nhà đầu tư quan tâm (đến nay chỉ mới có 2 nhà đầu tư bỏ vốn ra để đăng ký đầu tư kinh doanh hạ tầng nhưng mức độ triển khai chậm).
 
Trong khi chính sách khuyến khích, kêu gọi, thu hút, ưu đãi đầu tư của tỉnh chưa có sự đột phá, không hấp dẫn được các nhà đầu tư thì giá đất của tỉnh nhìn chung còn rất cao, chưa nhất quán với chính sách thu hút đầu tư so với những tỉnh lân cận như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình...
 
Một hạn chế nữa đó là, các dịch vụ hỗ trợ cho các nhà đầu tư chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, nhất là các thủ tục hành chính giữa các ngành vẫn còn chồng chéo. Việc đào tạo hỗ trợ nguồn nhân lực có trình độ cao chưa đáp ứng được nhu cầu các dự án công nghệ cao, đặc biệt là việc cung cấp điện phục vụ sản xuất chưa được ổn định, mất điện không được báo trước, gây tổn thất rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự và công tác bảo vệ môi trường ở các KCN vẫn còn là điều phải bàn. Thực tế, hiện nay nhiều chủ doanh nghiệp mới chỉ quan tâm chỉ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự nên còn sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động.
 
Trong khi đó, công tác quản lý, khai thác, bảo trì hạ tầng các KCN chưa thực hiện nên rất khó khăn trong việc bảo đảm an ninh trật tự cũng như gây khó cho việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải tập trung.
 
Do vậy, 5 năm qua (2010-2015), tại các KCN đã xảy ra 133 vụ phạm pháp hình sự, 64 vụ vi phạm hành chính, 13 vụ ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của công nhân trong các KCN cũng như các khu dân cư lân cận.
 
Sự phát triển và những đóng góp của các doanh nghiệp trong các KCN trong thời gian qua là điều không thể phủ nhận. Song vẫn còn chủ doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, còn có hiện tượng lợi dụng ép công nhân làm tăng ca, thêm giờ, đơn giá sản phẩm thấp, môi trường làm việc không đảm bảo; người quản lý, điều hành thiếu tôn trọng người lao động gây bức xúc cho công nhân.
 
Mặt khác, công nhân lao động lại có trình độ tay nghề và trình độ học vấn thấp, chưa khép mình vào kỷ luật lao động nên đã có những kiến nghị không thể thống nhất giải quyết được và dẫn đến đình công.
 
Từ năm 2010 đến nay, trong các KCN xảy ra 18 vụ đình công với sự tham gia của khoảng 7.500 lượt công nhân (nhiều vụ đình công diễn ra từ 3-5 ngày), gây tổn thất nhất định về kinh tế của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Những hạn chế trên là rào cản lớn, nên các KCN chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong muốn và điều này đặt ra bài toán cần có lời giải để sớm khắc phục tình trạng này
 
Đưa các khu công nghiệp trở thành khu vực kinh tế năng động, hấp dẫn
 
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016 - 2020, Ninh Bình xác định công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, trong đó các khu công nghiệp (KCN) tiếp tục đóng vai trò quan trọng, tạo động lực tập trung thu hút đầu tư. Vì vậy, tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 16%/năm, phát triển các KCN chiếm tỷ trọng từ 48% tổng GDP của tỉnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mặt bằng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển các KCN, đưa các KCN thực sự trở thành khu vực kinh tế năng động, hấp dẫn.
 
Dây chuyền may của Công ty NienHsing (Khu công nghiệp Khánh Phú). Ảnh: Thế Minh
 
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư
Với mục tiêu trên, tỉnh đề ra định hướng phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trong thời gian tới, đó là ưu tiên thu hút các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, sạch, thân thiện với môi trường; dự án sử dụng nhiều lao động địa phương, nộp ngân sách cao và sử dụng đất tiết kiệm.
 
Theo đó, tỉnh tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển các KCN.
 
Để các KCN phát triển bền vững, nhiều giải pháp đã được đặt ra, như các nhóm giải pháp về vốn, hạ tầng; cải thiện môi trường và thu hút đầu tư; đất đai; bảo vệ môi trường; đào tạo, sử dụng lao động; giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...
 
Trong các giải pháp được đề ra, việc thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư được xem là tạo động lực để thúc đẩy phát triển các KCN bền vững.
 
Ông Nguyễn Cao Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN, CCN có ý nghĩa rất quan trọng, trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của nước ta hiện nay, trong đó có tái cấu trúc đầu tư mà trước hết là đầu tư công.
 
Do vậy, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng bổ sung nguồn lực đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Đây phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, do vậy, chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư vào các KCN, CCN cần được xây dựng theo trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Coi cải thiện môi trường đầu tư là trọng tâm của công tác thu hút đầu tư, trong đó Nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi mặt, từ thực hiện thủ tục đầu tư đến sản xuất, kinh doanh.
 
Lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn trong triển khai đầu tư, kinh doanh một cách nhanh chóng, hiệu quả, bám sát lợi thế của tỉnh, chọn lọc dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
 
Ông Nguyễn Cao Sơn cũng cho rằng, tỉnh cần tăng cường xúc tiến các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
 
Chú trọng các đối tác như Hàn Quốc (tập trung lĩnh vực điện tử, sản xuất cơ khí, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông, thủy sản…) và Nhật Bản (theo 6 lĩnh vực hợp tác trong chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng tới năm 2020, tầm nhìn 2030)...
 
Theo kế hoạch phát triển các KCN, CCN và thu hút đầu tư của UBND tỉnh, Ninh Bình phấn đấu đến năm 2020, các KCN và CCN thu hút thêm khoảng 30 dự án vốn đầu tư nước ngoài với số vốn khoảng 3 tỷ USD và 200 dự án vốn đầu tư trong nước với số vốn 40.000 tỷ đồng, như vậy dự kiến các KCN sẽ thu hút khoảng 32.000 lao động (tăng 4.000 lao động so với hiện tại).
 
Thực hiện hiệu quả mục tiêu này, nhiệm vụ trước mắt được tỉnh đặt ra đó là tập trung rà soát các thủ tục hành chính để tiếp tục hoàn thiện theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tăng cường tính phục vụ, hỗ trợ và giảm phiền hà, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.
 
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quản lý, khai thác có hiệu quả các KCN; đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào KCN một cách đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực để phát triển công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng Luật Bảo vệ môi trường; xây dưng hệ thống quản lý môi trường cho KCN, đảm bảo 100% KCN, 90% CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Từng bước xây dựng hệ thống quan trắc môi trường trong các KCN, CCN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
 
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư thì Ninh Bình là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển công nghiệp. Ông Hsu Wen Cheng, đại diện Công ty TNHH Beauty surplus int’l Việt Nam cho biết: Năm 2008, chúng tôi đã đặt nhà máy ở KCN Gián Khẩu, năm 2013 Công ty chuyển về KCN Khánh Phú.
 
Nhờ chính sách thu hút của tỉnh nên Công ty không gặp khó khăn trong quá trình thay đổi địa điểm. Là đơn vị chuyên sản xuất các loại kính máy ảnh công nghệ cao, chúng tôi rất cần những công nhân có tay nghề kỹ thuật phù hợp.
 
Tuy nhiên, điều này ở Ninh Bình gần như không có sẵn mà trước khi tuyển dụng công nhân ở những vị trí then chốt, chúng tôi phải cho đi đào tạo, như vậy rất mất thời gian và tốn kém.
 
Thực tế cho thấy, Ninh Bình giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, song để các KCN tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp và phát triển bền vững trong thời gian tới, cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng KCN, thu hút đầu tư, theo tôi, việc phát triển đô thị, chú trọng đào tạo nghề, phát triển giao thông nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho KCN là điều Ninh Bình nên tính đến.
 
Xác định ngành công nghiệp trọng điểm
 
Định hướng phát triển các KCN, CCN đến năm 2020, Ninh Bình đã xác định đưa ngành công nghiệp sản xuất các loại động cơ, sản xuất và lắp ráp ô tô trở thành ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh và của cả nước.
 
Bởi trong điều kiện cụ thể của tỉnh hiện nay thì việc mở rộng, phát triển Công ty cổ phần ô tô Thành Công ở Ninh Bình được xem là chiến lược phát triển kinh tế để trên cơ sở đó phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
 
Theo đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đất để đảm bảo nhu cầu mở rộng sản xuất của Công ty cổ phần ô tô Thành Công và các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử.
 
Nhằm tạo điều kiện có quỹ đất sạch, có đủ hạ tầng để thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định CCN Gia Vân là CCN dành để thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử.
 
UBND tỉnh đã đề xuất cơ chế cho dự án xây dựng hạ tầng ở CCN Gia Vân được hưởng một số chính sách như: Ngân sách tỉnh bỏ ra 50% chi phí bồi thường GPMB, còn lại 50% do doanh nghiệp tự ứng trước và được trừ vào tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Đường giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
 
Đối với đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng và hệ thống xử lý nước thải chung của cụm công nghiệp, ngân sách tỉnh sẽ bỏ ra 30% tổng mức đầu tư nhưng tổng số không quá 30 tỷ đồng. Và như vậy nhà đầu tư hạ tầng sẽ không được tính kinh phí mà tỉnh bỏ ra vào chi phí đầu tư để tính giá thuê hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp...
 
Với bước đi phù hợp và những giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới Ninh Bình sẽ sớm khắc phục được những hạn chế bất cập để chuyển đổi, nâng cấp chất lượng các KCN hiện có, đồng thời thúc đẩy phát triển KCN mới một cách bền vững.

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?