Tháo gỡ vướng mắc cho DN trong lĩnh vực thuế, hải quan

Thứ Năm, 09/12/2021

(Chinhphu.vn) – Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN), ngày 8/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế-hải

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN về chính sách và TTHC thuế, hải quan - Ảnh:VGP

Tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay thời gian qua, VCCI cũng đã tiến hành thu thập thông tin, ý kiến góp ý của các DN bằng nhiều kênh khác nhau. Trong đó, những vướng mắc kiến nghị của DN có nội dung liên quan đến một số thay đổi trong các văn bản luật, nghị định hướng dẫn việc áp mã số, mã vạch hàng quá cảnh, các mức thuế phí, quy trình hoàn thuế phí…

“Tất cả ý kiến, kiến nghị của các DN gửi VCCI đã được VCCI chuyển đến cơ quan chức năng của Bộ Tài chính. Những ý kiến khác đã được tập hợp, trả lời bằng văn bản và được đăng tải trên website của ngành và VCCI để các DN tiện theo dõi. VCCI cam kết sẽ luôn phối hợp với Bộ Tài chính để đồng hành với DN trong việc cải cách TTHC thuế, hải quan nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các DN trong sản xuất, kinh doanh và phát triển nền kinh tế”, ông Phạm Tấn  Công nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính đã luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn trước tác động của dịch COVID-19, trong đó các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất tiếp tục được cộng đồng DN hưởng ứng, đánh giá rất tích cực.

Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế (gồm thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN) và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế (gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu), phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đại diện các DN và cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính đối thoại sôi nổi tìm tiếng nói chung - Ảnh:VGP.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, qua đó giảm nghĩa vụ tài chính cho DN, tổ chức khoảng 700 tỷ đồng; trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 để quy định và hướng dẫn thực hiện các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. 

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay với những giải pháp đồng bộ, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2021 nhưng kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2021 ước đạt 1.389,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Khăng định những kết quả tích cực trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Chính phủ, Bộ Tài chính luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách TTHC, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác như hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách TTHC theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.           

Thời gian qua, riêng lĩnh vực thuế, ngành thuế tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử với các dịch vụ: Khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử với hơn 99,6% tổng số DN tham gia khai thuế điện tử; 98,9% nộp thuế điện tử; 97,6% hoàn thuế điện tử. 

Đặc biệt, việc chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ) và sẽ thực hiện tại 57 địa phương còn lại trong năm 2022 sẽ chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho DN, cho xã hội. Bên cạnh đó, ngành thuế đã hoàn thành việc tích hợp 150 TTHC thuế cấp độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và triển khai kê khai thuế điện tử.

Trong lĩnh vực hải quan, ngành hải quan đang đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, qua đó đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại,  bảo đảm hoạt động thông quan thông suốt.

Anh Minh

Nguồn: baochinhphu.vn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?