Tiếp tục hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ngân sách bền vững

Thứ Ba, 27/09/2022

Để đạt mục tiêu hoàn thành dự toán thu ngân sách trên địa bàn cả năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, từ nay đến cuối năm, Ninh Bình sẽ tăng cường nhiều giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước đồng thời hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững.

Cán bộ ngành Thuế hỗ trợ người dân kê khai thuế.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt 14.177 tỷ đồng, đạt 70,8% dự toán, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa không bao gồm tiền sử dụng đất đạt 10.254 tỷ đồng, đạt 77,5% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 1.081 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán, tăng 129,9% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 2.841 tỷ đồng, bằng 69,2% dự toán, bằng 62,6% so với cùng kỳ. Đối với các khoản thu nội địa hiện nay các huyện, thành phố đều cơ bản đạt và vượt dự toán.

Đánh giá về nguyên nhân tăng thu ngân sách, đại diện các ngành chức năng cho rằng chủ yếu là do từ đầu năm đến nay dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, đã tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trong tỉnh dần khôi phục và tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ tháng 8/2021. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của Chính phủ được triển khai kịp thời, hiệu quả đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. 

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi tác động tích cực thì vẫn còn một số nguyên nhân ảnh hưởng thu ngân sách nhà nước như: xung đột vũ trang Nga và Ukraine dẫn đến giá cả leo thang (nhất là giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào), chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trọng điểm trong tỉnh. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19, hàng loạt các chính sách ưu đãi về thuế đã được thực thi. Các chính sách miễn giảm thuế, phí và các khoản thu khác đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được hỗ trợ hồi phục phát triển nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với ngành thuế phải khai thác, quản lý nguồn thu hiệu quả, đảm bảo dự toán thu ngân sách nhà nước được giao. 

Đặc biệt, bước sang năm 2022, cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19, dòng tiền những năm trước vốn tăng trưởng nóng, đổ vào kinh doanh bất động sản thì đến năm 2022 đang có dấu hiệu điều chỉnh, chuyển hướng sang để phục hồi các ngành sản xuất, kinh doanh. Điều này đã tác động lớn đến kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất ở các đơn vị, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thu tiền sử dụng đất. 

Giống như nhiều địa phương, những tháng còn lại của năm 2022, Ninh Bình phải đối mặt với nhiều thách thức, điều đó sẽ tác động không nhỏ đến nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước như: Trung Quốc vẫn đang thực hiện chiến lược "Zero COVID", giá cước vận tải tăng mạnh, diễn biến phức tạp của cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraina, lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tăng cao, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế…

Vì vậy, để số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh cả năm 2022 đạt và vượt dự toán, trong những tháng còn lại của năm UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng nâng cao năng lực nội tại và khơi thông các nguồn lực phục hồi phát triển kinh tế, tạo nguồn thu bền vững. Đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đảm bảo công tác thu ngân sách nhà nước.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, Cục sẽ rà soát từng khoản thu, sắc thuế để đánh giá, phân tích nguyên nhân tác động đến thu nội địa, trong đó nêu rõ ảnh hưởng tăng, giảm thu do chính sách mới ban hành, các khoản thu mang tính đột biến, các khoản thu mới phát sinh để dự báo khả năng thu ngân sách nhà nước.

Đơn vị sẽ tập trung vào thu số thuế phát sinh, thu nợ thuế, thu qua thanh tra, kiểm tra thuế và thu theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.... Thường xuyên rà soát đối tượng, cơ sở nộp thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước; kiên quyết xử lý nghiêm, công khai những doanh nghiệp nợ đọng thuế lớn, trốn thuế. 

Đồng thời, cơ quan thuế cũng triển khai chủ trương áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và chương trình "Hóa đơn may mắn" theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế; nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế cung cấp thông tin trong việc khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử.

Các ngành, địa phương đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất.

Cùng với tăng cường biện pháp thu những lĩnh vực còn dư địa, Cục Thuế tỉnh tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để người nộp thuế khôi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. 

Tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, trọng tâm là Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Đối với thu tiền sử dụng đất, ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Đến hết tháng 8/2022, thu tiền sử dụng đất có sự tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng khoản thu này chưa đạt tiến độ dự toán. Toàn tỉnh mới chỉ có 3 huyện, thành phố hoàn thành dự toán, đó là huyện Nho Quan, huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp; một số huyện khác đạt thấp như huyện Yên Khánh, thành phố Ninh Bình, huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư. Để hoàn thành dự toán chung, đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát các dự án có thu tiền sử dụng đất trong năm 2022, đẩy nhanh tiến độ về thủ tục hành chính và đấu giá đất theo kế hoạch.

Bài, ảnh: Hồng Giang

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?