Thông tin chung về tỉnh Ninh Bình

Thứ Năm, 30/09/2021

I – VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

  1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

       Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cực nam của Đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km về phía Nam, diện tích tự nhiên gần 1.386,8 Km2, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Với lợi thế gần thủ đô và vùng trung tâm kinh tế phía Bắc, Ninh Bình có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Phía Bắc giáp tỉnh Hòa Bình

Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Nam Định và Hà Nam

Phía Nam giáp biển Đông

Phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Thanh Hóa.

  1. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH

      Ninh Bình nằm trong vùng tiếp giáp giữa vùng Đồng bằng sông Hồng với dải đá trầm tích phía Tây và nằm ở điểm mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với biển Đông nên địa hình bao gồm 3 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển.

  1. KHÍ HẬU

     Ninh Bình có khí hậu nhiệt đới, gió mùa. Thời tiết hàng năm chia làm 4 mùa rõ rệt là xuân, hạ, thu, đông.

     Nhiệt độ trung bình năm khoảng 24oC, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất (tháng 1) khoảng 13- 15oC và cao nhất (tháng 7) khoảng 30oC. Tổng số giờ nắng trung bình năm trên 1200 giờ. Tổng nhiệt độ năm đạt tới trị số 8500oC, có tới 9 tháng trong năm có nhiệt độ trung bình trên 20oC. Lượng mưa trung bình năm trên 2.000 mm, phân bố không đều, tập trung 70% vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 9). Mùa khô kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, ít mưa, khô lạnh.

  1. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
  • Tài nguyên đất

       Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 1.386,8 Km2 với các loại đất: Phù sa (vùng đồng bằng ven biển); Đất phù sa cũ tập trung ở vùng đồng bằng trũng thích ứng cho thâm canh hoa màu, cây lương thực có chất lượng cao; Đất Feralit ở vùng bán sơn địa thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây trồng như: cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu...

  • Tài nguyên khoáng sản

      Ninh Bình có hệ thống núi đá vôi có diện tích trên 12.000 ha, với trữ lượng hàng chục tỷ mét khối đá vôi và hàng chục triệu tấn đôlômít, hàm lượng MgO 17-19% chất lượng tốt.

  • Tài nguyên biển

       Ninh Bình có trên 17 km bờ biển, đây là một lợi thế để phát triển kinh tế biển bao gồm nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản mà trọng tâm là những loại có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua nước lợ, cá biển và một số con nuôi đặc sản khác.

  • Tài nguyên nước

      Ninh Bình có hệ thống sông hồ dày đặc: Hệ thống đường thuỷ gồm 22 tuyến sông với tổng chiều dài gần 364,3 km, trong đó Trung ương quản lý 4 tuyến (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc và sông nhà Lê).

      Sông Đáy là sông lớn nhất chảy vào giữa ranh giới Ninh Bình với Hà Nam, Nam Định. Hệ thống sông Hoàng Long chảy nội tỉnh cung cấp tưới tiêu cho các huyện phía Bắc. Sông Vạc, sông Càn với nhiều nhánh nhỏ ở các huyện phía Nam. Các sông nội tỉnh khác: sông Vân, sông Bôi, sông Lạng, sông Bến Đang và các hồ lớn như hồ Đồng Thái, hồ Yên Quang, hồ Yên Thắng đem lại nguồn lợi đáng kể về tưới tiêu, giao thông và khai thác thuỷ sản. Cảng Ninh Phúc là cảng sông đầu mối quốc gia. Ngoài ra có cảng Ninh Bình, cảng Cầu Yên, cảng Gián Khẩu, cảng tổng hợp Kim Sơn và cảng Phát Diệm...

II – CƠ SỞ HẠ TẦNG, DỊCH VỤ VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

  1. CƠ SỞ HẠ TẦNG, DỊCH VỤ
  • Giao thông vận tải

      Đường bộ gồm 8 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài trên 238 km; 20 tuyến  tỉnh lộ gồm với tổng chiều dài 268,5 km; huyện lộ dài hơn 349 km, đường đô thị 355km  và đường giao thông nông thôn 4.386 km.

     Giao thông đường thuỷ gồm 16 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài gần 298,8 km. Có 16 cảng thủy nội địa: cảng Ninh Bình, cảng Ninh Phúc và cảng ICD…

    Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh có chiều dài 21,6 km với 4 ga (ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao), thuận lợi trong vận chuyển hành khách và hàng hoá.

  • Hệ thống điện

     Mạng lưới điện được xây dựng tương đối đều trên địa bàn cả tỉnh: có Nhà máy điện Ninh Bình công suất 4x25MW; có 01 trạm biến áp 500kV, 03 trạm biến áp 220kV; 13 trạm biến áp 110kV…

  • Hệ thống hạ tầng thương mại, du lịch

     Về thương mại: Toàn tỉnh có 02 trung tâm thương mại, 9 siêu thị và 110 chợ (trong đó có 03 chợ hạng 3 và 107 chợ hạng 2) và có trên 20.000 cơ sở kinh doanh thương mại.

     Về du lịch: Ninh Bình có 101 khách sạn, 288 nhà nghỉ và hàng nghìn nhà hàng lớn nhỏ và một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng sinh thái như Hoàng Sơn Pearce, Ninh Bình Legend Hotel, The Reed Hotel, the Vissai Hotel, Emeralda resort  Ninh Bình…

  • Hệ thống hạ tầng viễn thông

     Hiện tại mạng lưới bưu điện Ninh Bình gồm 40 bưu cục (02 bưu điện trung tâm, 07 bưu điện huyện và 31 bưu điện khu vực), với trên 888,7 nghìn thuê bao di động, trên 508,5 nghìn thuê bao internet, trong đó 100% các cơ quan Nhà nước được kết nối internet băng thông rộng.

  1. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI:
  • Tiềm năng du lịch, văn hóa

     Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan vô cùng đặc sắc và đa dạng, là vùng đất ken dày các di tích lịch sử. Đến nay toàn tỉnh có hơn 1.500 di tích, trong đó có 80 di tích đã được xếp hạng quốc gia.

     Ninh Bình cũng là nơi có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, với nhiều “nhân kiệt” tài ba, bất hủ như: Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Trương Hán Siêu… Ninh Bình là một trong số rất hiếm các tỉnh trên cả nước hội tụ nhiều lợi thế trong phát triển du lịch với nguồn tài nguyên du lịch rất đặc sắc và đa dạng, nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế, như:

    - Khu Tam Cốc - Bích Động - Tràng An - Cố đô Hoa Lư: Đây là quần thể hang động và các di tích lịch sử - văn hóa rất phong phú, độc đáo. Cụ thể là khu du lịch sinh thái Tràng An – được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; Khu cố đô Hoa Lư; Khu hang động Tam Cốc - Bích Động; tuyến Linh Cốc - Hải Nham và Thạch Bích - Thung Nắng.  

    - Quần thể du lịch tâm linh chùa Bái Đính: Ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với rất nhiều các kỷ lục, hàng năm đón hàng triệu lượt khách trong nước và ngoài nước              

   - Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long: Diện tích khu vực này là 3.710 ha với nhiều loài sinh vật (547 loài thực vật và 39 loài động vật) có những loài quý hiếm, đặc hữu của vùng đất ngập nước, có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học.

   - Vườn Quốc gia Cúc Phương: Có diện tích thuộc Ninh Bình là 11.000 ha, là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới hiếm có ở Việt Nam với đặc điểm hệ sinh thái, sinh cảnh, cấu trúc rừng và tính đa dạng loài, gồm cả loài quý hiếm và loài đặc hữu (1.944 loài động thực vật).

   - Khu Kênh Gà (Gia Viễn) và động Vân Trình (Nho Quan): Nước suối Kênh Gà (nhiệt độ 53% và khoáng chất tốt) đã nổi tiếng ở miền Bắc nhờ khả năng chữa trị được một số loại bệnh, giúp phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Động Vân Trình là một địa danh đẹp để cùng với hệ thống các hang động khác tạo nên sự độc đáo thu hút khách du lịch.

    - Khu quần thể nhà thờ Phát Diệm: Tính độc đáo thể hiện trong kiến trúc và xây dựng ở sự pha trộn hợp lý giữa kiến trúc Gotic và kiến trúc Á đông với chất liệu chủ yếu bằng đá xanh, tạo nên vẻ đẹp độc đáo hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.

    - Làng nghề truyền thống: Hàng chục làng nghề truyền thống trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng thu hút khách du lịch đến thăm quan, mua sắm (làng nghề chạm khắc đá, làng nghề thêu ren, làng nghề mây tre đan, làng nghề cói v.v).

  • Tiềm năng nguồn nhân lực              

     Với quy mô dân số khoảng 984,5nghìn người, trong đó có 49,81% nam và 50,19% nữ, mật độ dân số 710 người/km2, số người trong độ tuổi lao động là 58,8 vạn người chiếm 59,2%, trong đó lao động qua đào tạo chiếm 29,5%..

  • Tiềm năng về công nghiệp

     Địa hình có các loại hình khác nhau, từ vùng núi, vùng đồng bằng cho tới vùng ven biển thích hợp để phát triển các vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biển thủy, hải sản; nông sản, hoa quả và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Ninh Bình là một trong những tâm trung sản xuất, láp ráp ô tô lớn nhất cả nước với nhà máy liên doanh Hyundai Thành Công, có tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất, láp ráp ô tô, điện tử… Tỉnh Ninh Bình có 7 KCN và 25 cụm CN với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.300 ha. Hệ thống kho ngoại quan, cảng khô ICD, Cục Hải quan phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

  • Tiềm năng về nông nghiệp

     Với diện tích gần 96.413 ha đất nông nghiệp trong đó đất trồng lúa là 45.163 ha,  đất lâm nghiệp 28.340 ha, đất nuôi trồng thủy sản 6.796 ha. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm trên 2,5% năm; Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 10,6% trong nền kinh tế; Năng suất lúa bình quân đạt 60,99 tạ/ha; Sản lượng lương thực có hạt đạt 470,9 nghìn tấn/năm; Sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 130 triệu đồng; Độ che phủ rừng đạt 20%.

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?