Các quy định về hoạt động xúc tiến đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020

Thứ Hai, 05/09/2022

Các quy định về hoạt động xúc tiến đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020

Xung quanh vấn đề về hoạt động xúc tiến đầu tư có lẽ nhiều doanh nghiệp và doanh nhân vẫn chưa nắm rõ. Pháp luật đã đặt ra quy định về hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn một số quy định về hoạt động xúc tiến đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 như thế nào? 

Cơ sở pháp lý:

Luật Đầu tư năm 2020;

Nghị định 31/2021/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư.

Thế nào là hoạt động xúc tiến đầu tư?

Khái niệm về đầu tư trong Luật Đầu tư được ghi nhận tại Khoản 8, Điều 3, gắn với đầu tư kinh doanh, đó là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.”.

Hiện nay, hoạt động xúc tiến đầu tư đóng vai trò khá quan trọng. Cụ thể đó là:

- Xúc tiến đầu tư được thực hiện nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư theo ngành, vùng và đối tác phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, các chiến lược này đều cần bảo đảm thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên vùng, liên ngành, gắn kết với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch và nhiều ngành nghề khác.

- Xúc tiến đầu tư cũng chính là công cụ năng động. Nó gây ảnh hưởng đến định hướng, đến nhà đầu tư và là hình thức tuyên truyền nhằm tìm kiếm và duy trì vốn đầu tư. Trước hết, xúc tiến đầu tư là công cụ để thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện chính sách FDI. Điều này có tác động đến việc khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Xúc tiến đầu tư FDI chỉ là một công cụ trong số các công cụ phát triển kinh tế. 

- Xúc tiến đầu tư thực chất được hiểu là giải quyết bài toán tìm kiếm và duy trì vốn đầu tư. Thông qua xúc tiến đầu tư, các dự án FDI bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội từng thời kỳ. Đồng thời xúc tiến đầu tư là nhân tố quan trọng phát huy nguồn nội lực nhất là trong giai đoạn khi mức tích lũy của nền kinh tế còn thấp.

Các quy định về hoạt động xúc tiến đầu tư theo Luật Đầu tư 

Các quy định về nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư được quy định tại Điều 88 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, bao gồm 8 nội dung cơ bản:

1. Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư

 Đây là nội dung cũng như là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động xúc tiến đầu tư, là giai đoạn quyết định đến việc xúc tiến đầu tư có khả thi hay không và hiệu quả trên thực tế được tác động bởi yếu tố khách quan.

2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư

Đây là hoạt động nhằm thu hút, thể hiện sự hấp dẫn của các dự án đầu tư và cho nhà đầu tư thấy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ của dự án, đồng thời đây là cách để các bên tiếp cận và dần có “thiện cảm” với nhau.

3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư

Hoạt động đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn vào để thực hiện hoạt động kinh doanh, việc hỗ trợ, hướng dẫn hay tạo điều kiện thuận lợi là cách để cơ quan xúc tiến đầu tư “mở đường’ cho chính mình trong việc đáp ứng yêu cầu của “một khách hàng” trước dự án trong tương lai.

4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư

 Đây là cơ sở để lưu trữ và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư có kế hoạch, hiệu quả, hợp pháp, hợp lý, cũng là những tài liệu chứng minh quá trình xúc tiến đầu tư là đúng quy trình.

5. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư

Hoạt động này có ý nghĩa thực sự có vai trò quan trọng, việc xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư nhằm giúp nhà đầu tư lựa chọn các dự án phù hợp với chính mình, cũng là cách để cơ quan xúc tiến quản lý các dự án mong muốn được thực hiện trong tương lai.

6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư

Các tài liệu, ẩn phấn được kể đây cũng tương tự như một cách xây dựng hình ảnh, tuyên truyền cho hoạt động xúc tiến đầu tư, các tài liệu nhằm phục vụ cho hoạt động xúc tiến được diễn ra hiệu quả và nhanh chóng.

7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư

Đây là hoạt động nhằm bồi dưỡng chất lượng nhân sự thực hiện trực tiếp hoạt động xúc tiến đầu tư trong các cơ quan xúc tiến đầu tư.

8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư

Hoạt động xúc tiến đầu tư, trọng tâm là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc hợp tác trong nước và quốc tế làm nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư hiệu quả và hiện đại.

 

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?