Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh

Thứ Năm, 03/01/2019
Ninh Bình có lợi thế về tiềm năng du lịch, có trữ lượng khoáng sản và vị trí địa lý trong mối liên kết vùng, là nơi tiếp nối, giao lưu kinh tế và văn hóa giữa vùng Bắc Trung bộ với vùng đồng bằng Bắc Bộ, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển thuận lợi. Vị thế nền kinh tế của tỉnh đang lớn dần với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11%/năm và sẽ còn duy trì ở mức cao trong một thời gian dài. Đà tăng trưởng nhanh sẽ tạo hiệu ứng rất tích cực, làm cho hoạt động kinh tế trở nên sôi động hơn, rất thuận lợi cho các nhà đầu tư.
 
Một góc Khu công nghiệp Khánh Phú (Yên Khánh). Ảnh: C.T.V
 
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư như Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND, ngày 23-11-2012 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 9-12-2014 về chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đang nỗ lực đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường hành chính thuận lợi cho các nhà đầu tư...
 
Đến nay, tỉnh đã thu hút được khoảng 385 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 98 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 40 dự án FDI đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.045 triệu USD (trong đó có 18 dự án ngoài các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 508 triệu USD và có 22 dự án trong các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 537 triệu USD). Cơ bản đã lấp đầy 3 khu công nghiệp lớn của tỉnh như Khu công nghiệp Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I. Hạ tầng du lịch phát triển mạnh đảm bảo phục vụ du khách.
 
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay Ninh Bình đã trở thành địa phương có nền công nghiệp, du lịch phát triển, có cơ cấu kinh tế hợp lý: Công nghiệp - xây dựng 48%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 12% và tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên 40%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2015 đạt trên 30,7 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2,3 lần so với năm 2010); giá trị dịch vụ giai đoạn 2011-2015 ước tăng 11,16%/năm.
 
Hoạt động ngoại thương có bước phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 830 triệu USD (gấp hơn 9 lần so với năm 2010). Lượng khách du lịch đến Ninh Bình không ngừng tăng qua các năm, đến năm 2015 dự kiến đạt 6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt, khách lưu trú đạt 1 triệu lượt.
 
Tái cơ cấu kinh tế đang là nhiệm vụ trọng tâm của nước ta hiện nay, trong đó có tái cấu trúc đầu tư mà trước hết là đầu tư công, do vậy thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
 
Trong thời gian tới, tỉnh xác định kêu gọi thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách một cách có chọn lọc, thu hút những nhà đầu tư có năng lực thật sự, các dự án có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển, tạo ra các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo ra giá trị gia tăng lớn.
 
Tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, các dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có chất lượng cao, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp cho tỉnh về thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?