Doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững

Thứ Tư, 17/11/2021

(Chinhphu.vn) – “Đừng coi thể hiện trách nhiệm cộng đồng, hoạt động từ thiện là cuộc chơi của doanh nghiệp (DN) lớn, đợi lớn mới thực hiện, mà hãy thực hiện từ thiện phát triển để lớn”.

DN không thể đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện các trách nhiệm cộng đồng - từ thiện. Ảnh: VGP

Tại Hội thảo “Tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi – Dấu ấn doanh nghiệp trách nhiệm trong đại dịch COVID-19” do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em (CRG) và Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ, một DN có trách nhiệm cần bắt đầu từ các giá trị cốt lõi khi xây dựng chiến lược phát triển để cộng đồng tìm kiếm và tìm thấy ý nghĩa và tầm nhìn của DN đó.

Trong đại dịch COVID-19, sự an toàn hay phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng; trách nhiệm của cộng đồng và sự đoàn kết đã được kích hoạt. Theo bà Nguyễn Phương Linh: “DN không thể một mình thành công khi xung quanh họ thất bại. DN không thể đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện các trách nhiệm cộng đồng - từ thiện”.

Chính vì vậy, các DN phải nhận thức, việc hoàn thành các trách nhiệm xã hội của DN (CSR) không chỉ là một việc phụ thêm để đóng góp cho cộng đồng, mà cần nhìn nhận vai trò và ý nghĩa của nó như là một chiến lược để phát triển, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới. Bởi vì, một nền kinh kế chuyển đổi đòi hỏi DN không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà còn là giá trị và trách nhiệm.

“Đừng coi thể hiện trách nhiệm cộng đồng, hoạt động từ thiện là cuộc chơi của DN lớn, đợi lớn mới thực hiện, mà hãy thực hiện từ thiện phát triển để lớn”, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm về việc đưa trách nhiệm xã hội, hoạt động từ thiện vào chiến lược phát triển bền vững của DN, ông Nguyễn Trần Trung, Giám đốc Phát triển bền vững và CSR, BlueScope Việt Nam cho biết, trách nhiệm xã hội đã và đang là một phần quan trọng trong tiến trình phát triển kinh doanh của BlueScope, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2025. Khi các dự án CSR của BlueScope Việt Nam triển khai đều lưu tâm đến yếu tố bền vững. Bluescope luôn đi cùng với các đối tác và đồng hành cùng các nhà cung cấp để tạo ra những chuỗi cung ứng bền vững.

 

Cần hướng đến những chương trình bền vững, dài hạn, giải quyết các vấn đề xã hội sau đại dịch. Ảnh: VGP/ Lê Nguyễn

Hợp tác nhà nước với DN và tổ chức xã hội: Xu hướng mới

Phân tích về xu hướng từ thiện phát triển trong bối cảnh mới, bà Ruth Shapiro, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu từ thiện phát triển Châu Á cho rằng, trong vòng 2 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều khó khăn, thách thức trên phạm vi toàn thế giới. Theo nghiên cứu, khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu từ thiện phát triển Châu Á và MSD thực hiện, Việt Nam đang thực hiện khá tốt việc thành lập các hội đồng tổ chức phát triển xã hội dựa trên kinh nghiệm của các DN.

Theo đó, các DN Việt Nam đã có sáng kiến lập hội đồng, trong đó có đối tác công tư để tìm chiến lược phát triển xã hội. Cụ thể, trong bối cảnh cấp thiết về vaccine, Chính phủ Việt Nam đã có sáng kiến thành lập Quỹ Vaccine với sự tham gia tích cực của các DN, tổ chức xã hội, cá nhân.

Chia sẻ về mô hình hợp tác giữa tổ chức xã hội và DN, bà Hooyung Young, Phó Chủ tịch United Way Worldwide (tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất thế giới), phụ trách khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, ở châu Á, DN, bao gồm cả các DN nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và ngày càng quan tâm tới giải quyết các vấn đề xã hội. Đây là một sự chuyển biến có xu hướng rõ ràng và thích ứng với bối cảnh của thời đại mới, với các yêu cầu của thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu.

Có thể vẫn còn những rào cản khiến các tổ chức xã hội và DN khó tiếp cận nhau, nhưng các DN hiện đang nỗ lực cùng hướng tới các mục tiêu, giá trị chung để giải quyết các thách thức xã hội. Vì vậy, nên khuyến khích các tổ chức xã hội, kể cả các tổ chức quy mô nhỏ có thể chủ động “dẫn dắt thay đổi" tiếp cận, đặt vấn đề hợp tác với DN, bao gồm cả DN nhà nước để được hỗ trợ hoạt động bền vững hơn, lớn mạnh hơn.

Vai trò của các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng trong hoạt động từ thiện vì nó là cầu nối giữa DN với các đối tượng cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều DN hiện nay mong muốn thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội, tuy nhiên không phải DN nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện, đặc biệt là về nhân sự. Lúc này, các tổ chức xã hội sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng để phối hợp và hợp tác. Và đặc biệt để sự kết hợp được lâu dài và bền vững, các bên cần nhận thức, không nên chỉ tập trung hỗ trợ, từ thiện ngắn hạn mà cần hướng đến những chương trình bền vững, dài hạn, giải quyết các vấn đề xã hội sau đại dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Cử, Điều phối viên Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam, các tổ chức xã hội cần xác định mũi nhọn chiến lược của tổ chức để có thể phối hợp với các DN có chung mối quan tâm. Đối với các DN, mạng lưới nhỏ cần nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác và đi chung với nhau. Đặc biệt, cần phải xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ, trong đó quan trọng nhất là phối hợp với các chính sách an sinh - xã hội của Nhà nước để được tạo điều kiện thực hiện trách nhiệm xã hội hiệu quả.

Từ góc độ của một DN, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách Tiktok Việt Nam chia sẻ, khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, Tiktok là một trong những đơn vị đầu tiên phối hợp với các bên liên quan để xây dựng những chiến dịch nhằm lan tỏa và truyền tải những thông tin, thông điệp hữu ích đến cộng đồng. Hiện nay Tiktok cũng đã và đang có những chính sách để hỗ trợ các tổ chức xã hội: Hỗ trợ cung cấp tick xanh, đào tạo, lan tỏa nội dung mà các tổ chức đăng tải. Khoảng 1 tháng 1 lần, Tiktok sẽ lựa ra những chiến dịch nhằm hỗ trợ xã hội như bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em,... để thay đổi nhận thức và lan tỏa những thông điệp tích cực.

Lê Nguyễn

 Nguồn:https://baochinhphu.vn/

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?