Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Ninh Bình năm 2022

Thứ Ba, 27/12/2022

Ngày 23/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Ninh Bình năm 2022. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; Các thành viên Tổ công tác DDCI của tỉnh; Đại diện Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Quang cảnh hội nghị

Năm 2022 là năm thứ 2 tỉnh Ninh Bình thực hiện đánh giá Bộ chỉ số DDCI. Để đánh giá một cách sát thực, thực chất hơn, UBND tỉnh đã quyết định sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số DDCI và chỉ đạo thực hiện khảo sát khoảng 3.100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất - kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công tại 23 sở, ban, ngành cấp tỉnh (năm 2022 bổ sung đánh giá Cục quản lý thị trường) và 08 huyện, thành phố trong khoảng thời gian 02 năm trở lại đây.

Đến nay, quá trình đánh giá DDCI tỉnh Ninh Bình năm 2022 được triển khai đúng tiến độ theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

Quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn và quá trình khảo sát, phân tích, đánh giá và báo cáo kết quả được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo khách quan, độc lập dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ công tác DDCI. Chỉ số DDCI năm 2022 được đánh giá dựa trên sự tổng hợp ý kiến của khoảng 1.519 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ 3.100 doanh nghiệp được phát phiếu khảo sát. Rất nhiều doanh nghiệp đã cởi mở, tích cực đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp.

Các đại biểu dự hội nghị

Kết quả đánh giá chỉ số DDCI năm 2022 như đã công bố đảm bảo sự khách quan, minh bạch không có bất kỳ sự tác động đến kết quả công bố. Trong đó, điểm trung vị năm 2022 giảm so với năm 2021 không phải do năng lực điều hành giảm mà do có sự thay đổi các chỉ tiêu cơ sở trong bộ chỉ số DDCI nhằm phản ánh đúng thực chất, sát với điều kiện thực tế. Nhiều đơn vị đã có sự nỗ lực trong cải thiện về điểm số và thứ bậc xếp hạng, cụ thể:

Khối sở, ban, ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng 3,46 điểm, tăng 6 bậc; Sở Văn hóa và Thể thao tăng 5,6 điểm, tăng 15 bậc so với năm 2021 thuộc nhóm xếp hạng Rất Tốt; nhiều đơn vị trong năm 2021 ở top giữa, top cuối đã cải thiện điểm số, bứt lên như Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tăng 8,36 điểm, tăng 13 bậc; Sở Nông nghiệp &PTNT tăng 8,65 điểm, tăng 12 bậc; Sở Du lịch tăng 7,04 điểm, tăng 11 bậc so với năm 2021 thuộc nhóm xếp hạng Tốt; Sở Tài nguyên và Môi trường tăng 9,88 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2021 thuộc nhóm xếp hạng Khá.

Khối địa phương: không còn địa phương nằm trong nhóm xếp hạng Trung bình; thứ bậc xếp hạng không có sự thay đổi ở top đầu và top cuối.

Trên cơ sở kết quả đánh giá trên, mỗi sở, ban, ngành và địa phương tự soi, tự sửa và có những giải pháp thiết thực hơn để khắc phục mặt hạn chế đã được chỉ ra nhằm nâng cao Chỉ số DDCI trong những năm tới. Mỗi đơn vị cần tiếp tục nâng cao vai trò của người đứng đầu trong việc cải thiện vững chắc môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự chuyển biến trong phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả đánh giá DDCI Ninh Bình năm 2022; nghe đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh báo cáo kết quả khảo sát DDCI Ninh Bình năm 2022.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc biểu dương, ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2022, đồng thời nhấn mạnh: Năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tập trung cao độ để thực hiện các Chương trình hành động, Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025; dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; để kịp thời giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn trong công tác chỉ đạo điều hành, các nút thắt về thể chế, tổ chức cũng như công tác cán bộ góp phần tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và tạo động lực đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới các Sở, ban, ngành và các địa phương tập trung triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, các đơn vị cần nhận thức đúng đắn vai trò ý nghĩa tác động của bộ chỉ số DDCI; thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; qua đó, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề trên quan điểm cầu thị, tích cực; không quá đề cao thứ bậc mà chú trọng rà soát, sửa đổi ở nội tại những rào cản, điểm nghẽn, thậm chí là nghiên cứu, sửa đổi những giải pháp để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong quá trình xử lý công việc với mục tiêu cuối cùng là hiệu lực, hiệu quả, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp, người dân hiểu rõ ý nghĩa của chỉ số DDCI, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm trong việc khắc phục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi hoàn thiện chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở của bộ chỉ số DDCI; xây dựng phương pháp khảo sát theo hướng toàn diện hơn và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đánh giá bộ chỉ số DDCI. Thực hiện công bố chỉ số DDCI tỉnh Ninh Bình năm 2023 vào tháng 12/2023.

Kết quả đánh giá cũng chỉ là một kênh tham khảo, có thể chưa phản ánh đầy đủ hết được các vấn đề của cơ quan, đơn vị. Chúng ta không được coi nhẹ, nhưng cũng không quá nặng nề. Nếu những việc đang làm là đúng, thì chúng ta phải vững vàng và quyết tâm tiếp tục thực hiện.

Hai là, tiếp tục giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp; thay thế, điều chuyển các cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gây “ách tắc, điểm nghẽn” trong giải quyết thủ tục hành chính; tập trung rà soát, thực hiện điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức theo các quy định hiện hành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, tiếp tục đổi mới cách thức thu hút đầu tư, cách tiếp cận các nhà đầu tư theo hướng đa chiều, đa phương thức, thực chất và hiệu quả. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án lớn trên các lĩnh vực, nhất là xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao, các vùng nông nghiệp sinh thái, xử lý rác thải sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch góp phần tạo động lực cho tăng trưởng và tăng thu ngân sách địa phương..

Kim Duyên

Nguồn: ninhbinh.gov.vn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?