Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Ba, 27/09/2022

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 246.525,55 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 6.622,57 tỷ đồng, đạt 19,03% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Cả nước có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; có 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. Minh chứng là kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7%.

Về việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước và tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại các địa phương: Đến ngày 23/9/2022, có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Trong đó có 29/52 địa phương đã phân bổ, giao 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương giao trên 90% kế hoạch, còn lại giao được trên 70% kế hoạch; 5/52 địa phương mới giao kế hoạch vốn đầu tư, chưa giao kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 1/52 địa phương (tỉnh Bạc Liêu) chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.

Trong phần thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn. Chỉ rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Đồng thời, chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Tại Ninh Bình, ước đến hết ngày 30/9/2022, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân đạt hơn 3.926 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Về tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay tổng số vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2022 đã bố trí để triển khai là trên 238 tỷ đồng. Trong đó, đối với chương trình Giảm nghèo bền vững là trên 36 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới là trên 154 tỷ đồng và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là trên 48 tỷ đồng.

Ninh Bình là 1 trong 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, riêng trong tháng 9/2022 xếp thứ 5. Có được kết quả này là do tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công từ sớm, bài bản, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực; việc bố trí vốn đảm bảo tập trung, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư. Tỉnh cũng theo dõi, chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án. Các chủ đầu tư đã cơ bản nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán khối lượng hoàn thành trong năm 2022, chú trọng hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Sau khi nghe các đại biểu tham luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với những kết quả tích cực bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn…

Tuy nhiên, về hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực, quyết tâm khắc phục. Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành chức năng trong việc rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; công tác xây dựng kế hoạch… nhằm tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đã đề ra. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ được giao; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Những tháng cuối năm 2022, bên cạnh việc ưu tiên thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo bảm các cân đối lớn, các bộ, ngành, địa phương phải dành thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiệm vụ này phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và trên tinh thần, trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc.

Phát biểu chỉ đạo sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá cao kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh 9 tháng đầu năm. Để phấn đấu tỷ lệ giải ngân tối thiểu năm 2022 đạt 95% số vốn được HĐND tỉnh giao, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp thu, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị. Các huyện, thành phố tập trung rà soát lại đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch vốn đã được giao, đặc biệt quan tâm tới các dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt do huyện làm chủ đầu tư. Quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc thì cùng trao đổi, phối hợp giải quyết, nhất là trong công tác GPMB.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên cơ sở rà soát và thực hiện điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt, có khả năng hấp thụ cao, còn nhu cầu vốn. Sở Xây dựng phối hợp với các chủ đầu tư tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị tư vấn xây dựng và công tác lựa chọn nhà thầu đầu tư xây dựng công trình; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết chấn 

chỉnh, loại bỏ các đơn vị tư vấn không đảm bảo năng lực, chất lượng thực hiện kém, góp phần nâng cao năng lực hoạt động tư vấn và nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn- Anh Tú

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?