Khó khăn doanh nghiệp Việt thường gặp khi thành lập tại nước ngoài

Thứ Tư, 24/08/2022

Khó khăn về giấy tờ, thủ tục thành lập làm chậm quá trình đăng ký kinh doanh, tăng rủi ro nộp phạt, thậm chí khiến doanh nghiệp có thể vĩnh viễn không được hoạt động tại nước ngoài.

Để thành lập công ty tại nước ngoài, "rào" pháp lý với các quy định về thuế, kế toán, kiểm toán hay khó khăn trong việc xin giấy phép hoạt động tại nước sở tại khiến không ít doanh nghiệp Việt "đau đầu".

3 tháng là thời gian một doanh nghiệp Việt dự kiến có thể hoàn tất các thủ tục kinh doanh và đưa công ty hoạt động tại thị trường Hong Kong. Trên thực tế, thời gian này phải kéo dài gấp đôi do công ty không kịp hoàn thiện các yêu cầu về giấy tờ thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, theo chia sẻ từ một doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã thành lập công ty tại Hong Kong, thời gian nửa năm để hoàn thành các thủ tục cho việc thành lập "vẫn là nhanh" nếu buộc phải so với nhiều doanh nghiệp khác có ý định mở công ty bên ngoài biên giới.

Thủ tục đăng ký thành lập và các quy định về thuế khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi muốn

thành lập công ty tại nước ngoài. Ảnh: One IBC

"Tuy có ý tưởng thành lập công ty tại nước ngoài để tận dụng các ưu đãi về thuế và chính sách, nhưng nếu chỉ tìm hiểu qua Internet tôi chưa thể xác định rõ các giấy tờ thủ tục và loại hình doanh nghiệp phù hợp với công ty của mình. Nếu phải bay đi bay lại giữa Việt Nam và nước ngoài sẽ rất mất thời gian, 2 năm Covid-19 điều đó gần như là không thể", đại diện công ty này thông tin thêm.

Không nộp đủ giấy tờ theo yêu cầu của nước sở tại, chưa hiểu rõ quy định về loại hình doanh nghiệp, thuế, kiểm toán - kế toán là các khó khăn về pháp lý phổ biến của doanh nghiệp khi muốn kinh doanh ở nước ngoài.

Theo khảo sát khách hàng mới của One IBC, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ thành lập công ty tại nước ngoài, khoảng 50% đại diện doanh nghiệp nhận thấy khó khăn về pháp lý là vấn đề cần ưu tiên xử lý trước khi giải quyết các thách thức khác như xây dựng hay vận hành công ty.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt khi mở công ty bên ngoài biên giới không chỉ cần tuân thủ yêu cầu tại nước sở tại mà còn cần "chuẩn hóa" nhằm đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý với chính phủ Việt Nam để được cấp giấy phép thành lập công ty con tại nước ngoài. Một số yêu cầu có thể kể đến như quy định về vốn và dòng tiền ngoại tệ, quy định về thuế hay thời gian thành lập doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp Việt gặp khó, ông Bùi Đức Tuệ, Giám đốc điều hành One IBC chia sẻ: "Nguyên nhân khách quan đến từ việc các quy định chung của các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới về pháp lý trong việc thành lập, vận hành công ty tại nước ngoài luôn thay đổi và ngày càng chặt chẽ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt để thích nghi với các thay đổi".

Về phía doanh nghiệp, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa địa lý hay múi giờ cũng là lý do khiến nhiều chủ doanh nghiệp khó khăn hơn khi có ý định mở công ty bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Với thực tế hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập công ty tại nước ngoài, ông Tuệ cho biết, nếu không hoàn thiện đầy đủ và chính xác các thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi. Cụ thể, các rủi ro doanh nghiệp có thể đối mặt bao gồm chậm quá trình đăng ký kinh doanh, rủi ro mất tiền vì chậm nộp các khoản phí chính phủ định kỳ. Trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp sẽ vĩnh viễn không được kinh doanh tại quốc gia đó.

Làm việc với các đối tác có dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp tại nước ngoài

là giải pháp nhiều công ty lựa chọn. Ảnh: One IBC

Để hòa mình vào làn sóng đầu tư nước ngoài và tránh được các rủi ro pháp lý, doanh nghiệp Việt cần chủ động và linh hoạt trong việc cập nhật các quy định kinh doanh, ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp tại nước sở tại. Ông Tuệ nhấn mạnh hai yếu tố "tìm hiểu kỹ" và "nắm rõ" luật thuế cũng như luật doanh nghiệp nếu công ty Việt Nam muốn thành công ở thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, việc sử dụng đơn vị tư vấn dịch vụ doanh nghiệp cũng được coi là giải pháp giúp doanh nghiệp Việt tiết kiệm thời gian, công sức và tránh được các rủi ro không đáng có trong quá trình thành lập công ty tại nước ngoài.

Theo đó, đơn vị hỗ trợ dịch vụ doanh nghiệp tại nước ngoài sẽ tư vấn cụ thể các tài liệu cần chuẩn bị để đăng ký thành lập hoặc gia hạn công ty. Điều này giúp doanh nghiệp hạn chế các thiếu sót trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp. Khi cung cấp đủ các thông tin cho đơn vị tư vấn, chủ doanh nghiệp có thể theo dõi các hoạt động thành lập doanh nghiệp từ xa.

Nếu chưa nắm rõ lợi thế kinh doanh của từng khu vực pháp lý, các công ty hỗ trợ dịch vụ doanh nghiệp sẽ trở thành nhà tư vấn để doanh nghiệp tìm ra giải pháp và hướng đi thích hợp. Ngoài ra, với một số đơn vị cung cấp dịch vụ doanh nghiệp nước ngoài trọn gói, công ty có thể tìm hiểu thêm các dịch vụ như thuê văn phòng, kế toán, kiểm toán.

Tại một số quốc gia, chính quyền nơi đăng ký thành lập công ty cũng ưu tiên làm việc với các đối tác uy tín hơn là làm việc trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài chưa có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề về pháp lý.

Chỉ ra lợi ích của các công ty tư vấn với doanh nghiệp, Tạp chí Forbes cho rằng: "Tiết kiệm thời gian bằng sự chuyên nghiệp và am hiểu luật pháp địa phương là lợi thế khi sử dụng công ty tư vấn nước ngoài".

Số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đầu tư sang 78 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Lào đang là thị trường nhận được nhiều đầu tư nhất, tiếp sau đó là Australia và Mỹ. Cũng trong năm 2022, theo thống kê từ One IBC, sau thời kỳ giãn cách xã hội vì Covid-19, ghi nhận số lượng khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu mở công ty tại nước ngoài tăng 5%.

Để tận dụng các nguồn lực khi thành lập công ty tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần linh hoạt để giải bài toán về thủ tục pháp lý bằng nguồn lực nội bộ hay chọn đối tác về tư vấn dịch vụ doanh nghiệp phù hợp. Điều này cho phép các công ty đẩy nhanh quá trình thành lập công ty và sớm ổn định kinh doanh tại nước ngoài.

Hồng Thảo

Nguồn: vnexpress.net

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?