Nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, kỳ vọng ‘sức khỏe’ được cải thiện quý II/2023

Thứ Năm, 30/03/2023

Trong 3 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh và giải thể đều tăng so với cùng kỳ năm trước. “Dù gặp nhiều khó khăn, bức tranh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo sẽ được cải thiện trong quý II/2023”, đại diện Tổng cục Thống kê (TCTK) nhận định.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: TTXVN phát

Khoảng 670 doanh nghiệp/ngày rút lui khỏi thị trường

Theo TCTK, trong tháng 3/2023, có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng đến 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 39,5%) cùng như có 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 31,1%).

Tính chung quý I/2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42.900 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 13,1%); 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%). Như vậy bình quân một tháng trong quý I/2023 có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tương đương mỗi ngày có khoảng 670 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).

Trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

“Mặc dù có những điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp như: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê; hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại trở lại thị trường lao động làm việc…; miễn giảm thuế giá trị gia tăng - VAT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế…

Tuy nhiên theo TCTK, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khó khăn và thách thức lại nhiều hơn. Đó là chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sản xuất, khó khăn trong việc xuất khẩu ra thị trường thế giới. Giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng từ 5 - 10%.

Theo TCTK, một khó khăn nữa là việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp. Đây là một vấn đề đáng lưu ý khi số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I/2023 chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong quý I kể từ năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt 310.331 tỷ đồng cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay.

Các lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ giảm vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cao nhất là: Vận tải kho bãi (giảm 80,4%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 72,7%); Thông tin và truyền thông (giảm 68,9%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 66,6%); Kinh doanh bất động sản (giảm 60,5%)...

Gỡ vướng mắc chính sách thuế 

Đại diện TCTK cho biết: Dù gặp nhiều khó khăn, bức tranh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo sẽ được cải thiện trong quý II/2023. 

“Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho biết trong quý II/2023, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023; 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định; chỉ 20,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 80,2% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I năm 2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 78,2% và 76,4%”, đại diện TCTK cho biết.

Khảo sát cũng cho biết: Quý II/2023, về đơn đặt hàng, có 41,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 38,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 40,1% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 33,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 43,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 23,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Hiện các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế, bao gồm: Việc chậm hoàn thuế VAT (cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su, ...); mức thuế VAT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế VAT cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá; việc chậm cải thiện các chính sách thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa (như y tế, giáo dục...)”.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, các doanh nghiệp logistic và kinh doanh vận tải, cảng biển phản ánh sự chậm điều chỉnh các quy định liên quan giá bốc xếp cảng biển, thời gian lái xe kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp xuất khẩu ngành thép, may mặc, da giày, nhựa... phản ánh việc gặp khó khăn về thông tin và thực thi, đặc biệt đối với các yêu cầu mới của các thị trường quốc tế về chuỗi cung ứng, về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp.

"Nhiều hiệp hội phản ánh sự lúng túng trong thực thi các quy định mới liên quan đến giảm phát thải trong nước và quốc tế", đại diện Ban IV cho biết.

Để tháo gỡ vấn đề này, Ban IV cùng đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp vừa đề xuất: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với doanh nghiệp ngay trong quý II hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu COVID-19.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, theo lãnh đạo TCTK, về phía Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tiếp tục kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp; có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới. Đồng thời, duy trì chính sách hỗ trợ năm 2023, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế VAT 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi khi Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất VAT với các nhóm hang hóa, dịch vụ… hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như trong thời gian dịch bệnh giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động…

Với doanh nghiệp, đại diện TCTK cho rằng: Khối này cần đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc thị trường.

"Bên cạnh đó, chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị, chủ động sắp xếp tinh gọn hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm; cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, tăng cường mở thị phần để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn; tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài", đại diện TCTK đề xuất.

Minh Phương/Báo Tin tức

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?