Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp: Giải pháp cho ngành công nghiệp địa phương

Thứ Năm, 03/01/2019
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 13 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 380,14ha. Việc hình thành CCN ở các địa phương là thực sự cần thiết nhằm quy hoạch các hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vào một khu vực nhất định, vừa sản xuất tập trung, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.
 
Làm đồ gỗ tại làng nghề mộc Ninh Phong. Ảnh: Đức Lam
 
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 CCN, thu hút 171 dự án đầu tư. Trong đó, 59 dự án là của doanh nghiệp, 112 dự án do các cá nhân, hộ sản xuất đầu tư, 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn trên 84 triệu USD. Hiện 156/171 dự án đã đi vào hoạt động,14 dự án đang triển khai xây dựng, tổng số vốn đăng ký 5.437 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động.
Năm 2015, doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN đạt gần 4.100 tỷ đồng. Có thể nói, CCN của Ninh Bình đã và đang góp phần trong việc thu hút các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp địa phương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung  như làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân; phát triển nghề truyền thống như nghề cói ở CCN Đồng Hướng, nghề gỗ mỹ nghệ ở cụm làng nghề Ninh Phong...
 
Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển CCN đã góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Điển hình như CCN Ninh Phong, CCN Ninh Vân... đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%, thu hút được 144 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư vào các lĩnh vực: Chế tác đá mỹ nghệ, sản xuất đồ mỹ nghệ, chế biến lâm sản và kinh doanh đồ gỗ, sản xuất cơ khí, may trang phục..., giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương.
 
Tuy nhiên việc phát triển các CCN ở Ninh Bình đang gặp nhiều khó khăn, theo bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công Thương: việc đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN đã được thành lập trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phần lớn vẫn do UBND huyện, thành phố thực hiện.
 
Song do kinh phí hạn hẹp dẫn đến việc đầu tư thiếu đồng bộ, chủ yếu xây dựng hệ thống đường giao thông, cầu, đường vào CCN, hệ thống điện nhưng chưa xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý chất thải, nước thải…
 
Đến nay, Ninh Bình chỉ có 4/9 CCN được đầu tư xây dựng một phần hạ tầng từ nguồn ngân sách với kinh phí 170,1 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, một số CCN khó thu hút cơ sở sản xuất kinh doanh vào hoạt động do chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đường nội bộ; cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; nhà quản lý điều hành, công trình bảo vệ...Cùng với đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng các CCN gặp rất nhiều trở ngại. Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng CCN...
 
Để khắc phục hiện trạng trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Quy hoạch nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu mặt bằng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với quy mô sản xuất vừa và nhỏ; hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong quá trình điều chỉnh quy mô các CCN hiện hữu.
 
Theo đó, đến năm 2020. trên địa bàn tỉnh có 24 CCN với diện tích 565,5ha; giai đoạn 2021 – 2025, quy hoạch mới thêm 1 CCN với tổng diện tích là 40 ha và đầu tư mở rộng 15 CCN hiện có với tổng diện tích tăng thêm là 340,8 ha. Như vậy, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 25 CCN với tổng diện tích là 946,3ha.
 
Các CCN trên địa bàn tỉnh phát triển theo định hướng dành quỹ đất, đầu tư có trọng điểm vào những ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng; ưu tiên mở rộng các CCN nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; tận dụng hạ tầng cơ sở và tiện ích công cộng, giảm chi phí ban đầu, đưa nhanh các công trình đầu tư vào hoạt động.
 
Để các quy hoạch phát triển được triển khai theo đúng lộ trình, Ninh Bình cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá hiệu quả đầu tư, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho các CCN.
 
Lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động tại chỗ; ưu tiên đào tạo cho lao động bị mất đất cho xây dựng CCN; xây dựng mạng lưới đào tạo nghề sát với thực tiễn, đa dạng hóa phương thức đào tạo.
 
Về nguồn vốn đầu tư, ngân sách tỉnh chủ yếu hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông đấu nối vào CCN; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường huy động nguồn vốn trong nước thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, liên kết với các doanh nghiệp lớn trên cả nước. Tỉnh cũng sẽ tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi.

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?