Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp

Thứ Tư, 08/03/2023

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng thời gian qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh ta còn rất hạn chế. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải dành sự quan tâm thích đáng cũng như có các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy làn sóng đầu tư FDI vào lĩnh vực này. Góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, hiện đại hơn.

Các đại biểu khởi động trồng rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Nổi (Kim Sơn) trong khuôn khổ Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng Sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Ảnh: Hoàng Hiệp

Tiềm năng lớn 

Nằm ở vị trí cực Nam vùng đồng bằng Sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội không xa, lại có địa hình sinh thái đa dạng, bao gồm cả đồi núi bán sơn địa, chiêm trũng, đồng bằng và biển, Ninh Bình có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ta vô cùng đa dạng và phong phú. Trong đó, có không ít các sản vật mang tính đặc hữu, có giá trị kinh tế cao như: Trà hoa vàng Cúc Phương, Kim ngân, Tam phỏng, khoai lang Hoàng Long, nếp Cau, gà rừng Tai đỏ, cá Trầu tiến vua... Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh cũng đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, vì thế cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phòng, chống thiên tai ngày càng hoàn thiện. Các vùng sản xuất từng bước được quy hoạch, phù hợp với điều kiện sinh thái, đặc trưng lợi thế của từng địa phương... 

Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận một điều là nông nghiệp của tỉnh ta vẫn chưa có sự tăng trưởng bứt phá. Sản xuất chủ yếu vẫn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún; việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa còn hạn chế; sản phẩm phần lớn chưa qua chế biến, thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá trị thấp. Trong khi đó, thị trường thế giới đang biến đổi từng ngày, nếu tiếp tục sản xuất, kinh doanh nông nghiệp mang tính cá thể, nhỏ lẻ, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình, công nghệ, chất lượng không đảm bảo thì khó có thể xuất khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu phải làm nông nghiệp một cách bài bản, chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Muốn làm được điều này, vai trò của các doanh nghiêp là rất quan trọng. 

Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Doanh nghiệp chính là yếu tố then chốt giúp cho ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị, thay đổi về tư duy, phương thức sản xuất. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ta thời gian qua vẫn chưa thực sự thành công. Vấn đề này cũng đã được Sở nhìn nhận, đồng thời Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục. Do vậy, Sở đang khẩn trương thực hiện hàng loạt các giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư làm sao đơn giản, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp. Chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch trong khả năng cho các dự án đầu tư. Thực hiện nhất quán, minh bạch chính sách, quy trình cho thuê đất, hình thức thuê đất, cũng như việc liên kết sản xuất với hợp tác xã, nông dân… Mục tiêu là thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, về công nghệ, có sẵn thị trường tiêu thụ. Ưu tiên các dự án có chất lượng và giá trị gia tăng cao, sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ cho những khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản của tỉnh. 

Những tín hiệu vui 

Sau những động thái nhằm tăng cường thu hút đầu tư của ngành Nông nghiệp, thời gian qua, một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác đã rất quan tâm và trực tiếp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở tỉnh ta. Cụ thể, giữa tháng 2/2023, đoàn doanh nghiệp của Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, xử lý nước, tư vấn tài chính đã về làm việc với tỉnh, đi khảo sát thực tế để tìm kiếm đất đai, xúc tiến triển khai những dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngay tại Ninh Bình. 

Ông Yamamoto Takashi, CEO Công ty TNHH JVC Hightech Energy cho biết: Chúng tôi có công nghệ, còn các bạn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt nguồn lao động của Ninh Bình đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc ghi nhận, đánh giá cao. Do vậy, chúng tôi đang khảo sát và mong muốn có thể sớm hợp tác cùng với tỉnh triển khai một số dự án liên quan đến nông nghiệp như: trồng sâm, đông trùng hạ thảo, nuôi tôm, lươn, cá tầm... Đây là những sản phẩm mà chúng tôi tin chắc rằng sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân và chính quyền địa phương vì nhu cầu thị trường đang rất lớn. Ông Yamamoto Takashi cũng cho biết, ngoài đầu tư vào sản xuất, Công ty còn có ý tưởng sẽ kết hợp giúp đào tạo nguồn nhân lực cho Ninh Bình để có thể tiếp cận được với các công nghệ nông nghiệp cao để từ đó giúp ngành sản xuất này của tỉnh khởi sắc hơn. 

Cũng ngay trong những ngày đầu năm 2023, Ninh Bình vui mừng khi phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc khởi động trồng rừng tại khu vực Cồn Nổi (huyện Kim Sơn), trong khuôn khổ Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng Sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Dự án sẽ thực hiện trồng mới 240 ha, trồng bổ sung phục hồi 20 ha rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và phát triển du lịch sinh thái... Dự kiến kinh phí đầu tư của Dự án trên địa bàn tỉnh khoảng 50 tỷ đồng. 

Thứ trưởng cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc Sang-Seop Lim cho biết: Trong khuôn khổ Dự án lần này, bên cạnh việc giúp tỉnh Ninh Bình khôi phục hệ sinh thái rừng, chúng tôi còn chuyển giao các công nghệ trong nuôi trồng quảng canh các loại thủy sản, tạo ra những sản phẩm mang giá trị cao có thể xuất khẩu, từ đó giúp cải thiện sinh kế của người dân trong khu vực. Bà Jang Eun-Sook, Chủ tịch Hội người Hàn Quốc tại Việt Nam cũng thông tin: Tới đây, chúng tôi sẽ đưa các doanh nghiệp, người dân của Hàn Quốc sang du lịch tại vùng rừng ngập mặn này, để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của Dự án. 

Như vậy, với những tín hiệu khả quan ban đầu, tin rằng tới đây nông nghiệp Ninh Bình sẽ tiếp tục khẳng định được lợi thế của mình, thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, sản xuất ra những nông sản có thể tham gia vào chuỗi giá trị thế giới, tạo bước phát triển nhảy vọt, bền vững cho ngành.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?