Tiếp tục triển khai có hiệu quả Bộ chỉ số DDCI, góp phần năng cao năng lượng cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ Hai, 22/05/2023

Với quyết tâm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp Ninh Bình thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực.

Kết quả triển khai Bộ chỉ số DDCI năm 2022, thành phố Ninh Bình là một trong hai địa phương xếp loại rất tốt. Ảnh: Trường Giang

Trong 2 năm 2021 và 2022, việc triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI của tỉnh trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 và tình hình bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới, đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Bộ chỉ số DDCI đã được triển khai đến tất cả các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Bộ chỉ số DDCI luôn có sự điều chỉnh tích cực về các chỉ số thành phần nhằm đảm bảo phù hợp và hiệu quả. Các chỉ số thành phần gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và tiên phong; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò của người đứng đầu; quản trị điện tử. Riêng khối địa phương có đánh giá thêm chỉ số khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất. Đây là nhóm các chỉ số thành phần có sự tương đồng nhất với Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Do vậy, việc thực hiện đánh giá Bộ chỉ số DDCI hiệu quả là một trong những tiền đề quan trọng để các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng tham mưu, điều hành trên lĩnh vực kinh tế, kịp thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ đó góp phần cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI. 

Kết quả khảo sát Bộ chỉ số DDCI trong 2 năm vừa qua của tỉnh đã góp phần nâng thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ninh Bình năm 2022 xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố với 64,22 điểm, tăng 14 bậc so với năm 2021. Một số chỉ số thành phần đạt thứ hạng cao như: Chi phí thời gian đạt 7,69 điểm, xếp thứ 19 toàn quốc; đào tạo lao động đạt 6,4 điểm, xếp thứ 11 toàn quốc. Việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh đã giúp tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Quý I năm 2023, Ninh Bình thuộc nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng dương, đứng thứ 6 trong số các tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản tăng trưởng (kịch bản đề ra 8,1%). Nhiều lĩnh vực có sự bứt phá và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp phục hồi và phát triển ổn định trở lại, nhất là các đơn vị sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch. Nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng môi trường kinh doanh năng động, cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI đã trở thành một trong những mục tiêu xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ của tỉnh. 

Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tiếp tục góp phần nâng cao Chỉ số PCI, năm 2023 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương. Bộ chỉ số DDCI năm nay sẽ đánh giá tại 23 đơn vị cấp sở và 8 đơn vị cấp huyện. Dự kiến, khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của khoảng 3.100 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2023. 

Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện lựa chọn nhà thầu đảm bảo khách quan, độc lập; nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả DDCI Ninh Bình năm 2023. Đồng thời yêu cầu công tác triển khai đánh giá Bộ chỉ số DDCI phải nghiêm túc, khách quan. Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực những vấn đề đang được doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện thủ tục hành chính; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành và địa phương. 

Kết quả đánh giá được tổng hợp, phân tích mang tính khoa học và đánh giá một cách đầy đủ, công khai, minh bạch. Kết quả công bố về thứ bậc và điểm số chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương năm 2023 là cơ sở để tỉnh nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng thời khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Hồng Giang

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?